CÁCH CHỌN VỢT CẦU LÔNG

Ngày đăng:22-09-2016 08:22

Cách chọn một cây vợt cầu lông hay nhất cho bạn.

     Khi chọn vợt, các bạn mới tập chơi thường bị mông lung hoặc chọn theo cảm nhận khi cầm vợt, mà chưa có hiểu một cách tường tận về các thông số của nhà sản xuất. Thêm nữa, các shop bán cầu lông cũng chưa có nhân viên hiểu biết về các thông số, chỉ muốn bán các dòng vợt mắc tiền vì nghĩ rằng tiền nhiều vợt xịn. Do vậy, mình viết bài này để giải đáp một số thắc mắc của các bạn mới chơi, cũng như chơi khá lâu nhưng chưa hiểu về các thông số trên vợt.

    Trước hết, các bạn hãy nhìn vào phần phía trên cán vợt để biết các thông số cơ bản về vợt. Trên hình mô tả 3U và G4,  mức độ căng dây từ 19-24 lbs (dây dọc) và 85-105 lbs (cho dây ngang). (1lbs=0.453 kg)

mô tả vợt

                                         Hình 1 – MÔ TẢ VỢT CẦU LÔNG


1.Trọng lượng vợt cầu lông

     Được kí hiệu bằng chữ U (thường nằm ở phần trên cán vợt hay trong tem) và phân ra làm 4 cấp căn bản như sau:
2U (90-94 gr)
3U (85-89 gr)
4U (80-84 gr)
5U(dưới 80gr)

     Chỉ số U càng lớn - vợt càng nhẹ. Đối với người Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì mọi người ưu tiên sử dụng vợt 3U và 4U, do trọng lượng phù hợp với mức độ cổ tay người Việt Nam. Nếu căng dây thêm thì trọng lượng sẽ nặng thêm khoảng 10-15gr nữa.


2. Đường kính(chu vi) cán vợt

    Chỉ số G càng lớn - cán vợt càng nhỏ. Người Châu Á và Việt Nam phù hợp sử dụng cán vợt G4 và G5 (Do bàn tay người Châu Á thường có kích thước nhỏ hơn người Châu Âu). Vì vậy, các dòng vợt Mizuno, Yonex, Flypower, Apacs, Victor phù hợp với người Việt Nam hơn, so với các dòng vợt đến từ Châu Âu như Forza, Proace, Babolat.

thông số vợt                                   HÌNH 2 – THÔNG SỐ VỢT CẦU LÔNG


3.Điểm cân bằng vợt

điểm cân bằng vợt

                                       Hình 3 - Điểm cân bằng vợt

      Điểm cân bằng khác nhau sẽ làm cho đầu vợt nặng hoặc nhẹ từ đó ảnh hưởng đến lối chơi. Điểm cân bằng chuẩn là 285mm, nếu vợt có điểm cân bằng là 290mm nghĩa là đầu sẽ nặng hơn một chút. Khi đó bạn đập sẽ có thêm lực. Nguyên nhân là do cánh tay đòn dài hơn, khi đập lực sẽ nhiều hơn. Dưới đây là một số tư vấn về lối chơi:

      *Lối chơi tấn công: nên sử dụng vợt nặng đầu (điểm cân bằng 300mm), phù hợp với các bạn có thể lực tốt, khỏe để đập cầu, đánh cầu từ cuối sân. Tuy nhiên khả năng kéo vợt về thủ sẽ chậm và khó thủ.

      *Lối chơi phòng thủ: sử dụng vợt nhẹ đầu (điểm cân bằng <285mm), phù hợp với lối chơi phông cầu, bỏ nhỏ, tạt cầu, phản ứng nhanh, và tiết kiệm thể lực. Phù hợp với các bạn có thể lực không mạnh, kỹ thuật điêu luyện

       *Lối chơi công thủ: điểm cân bằng ở giữa (285-295mm). Lối chơi này phù hợp với các bạn mới chơi, chơi cho có sức khỏe. Với lối chơi này, bạn có thể chơi đa dạng, phông cầu, bỏ nhỏ để giữ sức, và khi cần thì tấn công tiêu diệt đối thủ.

Các bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh được điểm cân bằng của vợt bằng một số thủ thuật sau:

 *Các bạn muốn đầu vợt nặng hơn: gắn thêm cục tăng trọng ở phần đầu (trọng lượng vài gam) hoặc đan vợt có trọng lượng nặng.

 * Các bạn muốn đầu vợt nhẹ: chuyển cục tăng trọng về phía cán hoặc quấn cán nặng hơn.


4.Độ dẻo của thân vợt   

độ dẻo thân vợt

    Độ dẻo ở thân vợt (shaft stiffness) cũng ảnh hưởng đến lối chơi, và hiệu quả tác động lực vào cầu. Độ dẻo thân vợt chia ra làm 3 cấp căn bản như sau:

* Thân vợt dẻo (Flexible hoặc very flex): (chỉ số >9) phù hợp với các bạn chơi kiểu phòng thủ, phông cầu. Do vợt dẻo nên khi phông cầu sẽ trợ thêm lực, tiết kiệm sức, bỏ nhỏ, cắt cầu linh hoạt. Có thể đánh xa mà ít tốn sức. Tuy nhiên nhược điểm là khi bạn đập mạnh sẽ làm thân bị uốn, do vậy các bạn khó điều chỉnh được điểm đập cầu ở sân đối phương, cụ thể là các bạn đập cầu sẽ đi không chính xác.

* Thân vợt cứng(Stiff) (chỉ số 8.0): phù hợp với các bạn thể lực tốt, chuyên công, đập cầu điểm chính xác.tấn công nhanh. Ưu điểm loại vợt này làm tăng độ chính xác trong những pha cầu, nhược điểm đòi hỏi phải có nền tảng thể lực tốt, cổ tay khỏe, mau tốn sức.

* Thân vợt trung bình (không dẻo quá cũng không cứng quá) (Medium) (chỉ số khoảng 8.5): phù hợp với các bạn chơi đa dạng, đập không quá mạnh, và sức khỏe cũng ở mức trung bình.

     Ngoài ra, phần dây đan vợt cũng ảnh hưởng đến sự tác động cầu. Với các loại dây thường như Apac, Kumpoo, Astec,... thì mình chưa kiểm tra. Còn các loại dây xịn và được sử dụng phổ biến là Yonex BG 65, Yonex BG65 Ti, Yonex Nano 99 thì mình đưa thêm một số nhận xét sau: với dây BG65 thì dây to, bền nhưng cầu đi hơi lì; dây BG65 Ti dây nhỏ hơn đi cầu mướt hơn; dây Nano 99 dây mảnh, trợ lực, đi cầu rất tốt, nhưng dễ đứt dây hơn BG65.


5.Mức độ trợ lực của một cây vợt

    Khả năng trợ lực của vợt là do chất liệu cấu tạo nên vợt. Do vậy giá thành của vợt cũng sẽ khác nhau. Với các dòng vợt đắt tiền của Yonex, khi bạn đánh sẽ cảm nhận được sự khác biệt so với các dòng vợt thường như Apac, Forza, Proace,... nguyên nhân là do chất liệu cấu tạo nên vợt. Mức độ trợ lực được phân thành 4 cấp như sau:

1. Không trợ lực: Thân vợt bằng vật liệu Alumin, hoặc thép không trợ lực. Vợt thường nặng và không căng được ký cao (>10kg)
2. Có trợ lực ít: Thân vợt bằng Graphite thường (số ký căng cũng không hơn 10kg, vì sau một thời gian sẽ bị biến dạng vợt)
3. Có trợ lực tương đối: Thân vợt bằng Graphite module cao (High-modulus graphite)
4. Trợ lực cao: Thân vợt bằng High-modulus graphite có pha thêm Titan hoặc nanocarbon.
5. Trợ lực cao và chất lượng tuyệt vời: sử dụng các vật liệu mới.


6.Chiều dài vợt

Chiều dài cây vợt cầu lông có độ dài nằm trong khoảng 665mm đến 680mm. Khi bạn cầm vợt dài, các bạn có thể tăng độ dài cánh tay đòn trên vợt để khi đập phát lực mạnh hơn. Tuy nhiên vợt dài sẽ làm bạn lúng túng trong những tình huống xử lý cầu nhanh hoặc chớp cầu trên lưới.

7.Hình dáng đầu vợt

Bạn thường nghe nói đến khái niệm Isometric, hay Conventional, thì đây là những từ miêu tả hình dáng của đầu một cây vợt cầu lông

hinh dang đầu vợt

                                            Hình 5 - Hình dạng mặt vợt

                (Conventional (truyền thống): có hình ovan (Proace)

                          Isometric (đẳng cự): có hình hơi vuông (Mizuno, Flypower, Apacs, Forza)

 

    Hình dạng vợt ảnh hưởng đến điểm đập cầu ngọt (sweet spot). Nói thêm về sweet spot nữa, đó là khu vực trên vợt khi chạm vào cầu sẽ tạo lực tốt nhất, nó thường nằm ở giữa mặt vợt. Khi bạn đánh cầu trúng vào khu vực sweet spot trên vợt, bạn sẽ cảm nhận cầu đi nhanh, mạnh và mượt.

    *Với mặt vợt dạng ovan, khu vực tạo sweet spot nhỏ hơn mặt vợt Isometric. Do vậy các bạn cần phải xác định vị trí cầu chuẩn hơn. Với các bạn mới chơi, mặt vợt ovan làm các bạn thường đánh hụt, hoặc bị tẹt cơ (đánh trúng phần khung vợt, thay vì phần lưới.

    *Với mặt vợt Isometric, khu vực tạo sweet spot trên vợt sẽ nhiều hơn, bạn đánh ít bị trúng phần khung, phù hợp cho các bạn. Và hiện nay hầu hết các dòng vợt đều có khung tiệm cận về dạng Isometric.

Tác giả: Phi Vân sport  43 đường 30/4, Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Khi copy bài viết, vui lòng để nguồn: Phi Vân sport.

(Bài viết có sử dụng hình ảnh ở caulong.co)

Tin tức nổi bật

Tin tức liên quan